Tuesday 8 October 2013

Trước khi cưới là "Ngủ thăm"

Vườn quốc gia Xuân Sơn thuộc huyện Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ, cách Hà Nội 120km. Đường từ cổng vườn lên đến đỉnh dài 20km, được trải nhựa bằng phẳng nên rất tiện đường giao thông, du khách có thể lên bằng xe máy. Đây là thủ phủ của người Mường và người Dao Tiền. Và ở đây, vẫn còn một tục lệ còn nguyên vẹn đó là tục lệ cạy cửa “ngủ thăm” trước khi vào tiệc cưới của người dao tiền.
Con gái đẹp như trăng rừng.
Người ta nói, ấn tượng nhất của vườn quốc gia Xuân Sơn là những cây chè tuyết san thọ hơn 40 năm tuổi, cao hơn 5 mét, tán lá to bằng bàn tay. Điều đó làm tôi rất tự hào hứng khi đến vời nơi này. Va khi được đến đây thăm, thì những cán bộ của xã quản nói luôn: “các cậu đến đây chưa chắc về được à. Cái con gái nó đẹp lắm, như trăng rừng vậy”. Hỏi thì anh Hà Văn Giáo, cán bộ xã nói rằng, ngoài con gái đẹp ra, ở mấy bản xung quanh đây còn có một phong tục tuyệt thú vị, đó là tục cạy cửa “ngủ thăm”. Ngủ thăm tức là con trai đến nhà con gái cạy cửa vào ngủ cùng để “tìm hiểu”, và sau mấy ngày ngủ thăm, nếu người con trai thấy được, người con gái thấy ưng thì họ nhà trai sẽ chuẩn bị xính lễ làm tiệc cưới, rước cô gái về làm vợ.
Theo tục lệ của người Dao Tiền, thì chỉ có người con trai người Mường được lấy con gái người Dao, con trai người Dao không được lấy gái Mường. Vì thế mà trai người Mường có thể ngủ thăm để được vợ người Dao. Tục lệ này có từ vài trăm năm nay, chủ yếu là các thôn bản xung quanh vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Những chàng trai ở Xuân Sơn cũng khẳng định rằng con gái ở đây đẹp, do phong cảnh nguyên sơ hùng vỹ, nên thơ, khí hậu một ngày có cả bốn mùa xuân hạ thu đông. Chính những người vợ của ông Hà Văn Dân, bí thư Đảng ủy xã trước kia và anh Hà Văn Giáo, cũng nhờ “ngủ thăm” mà có. Anh Giáo nói: “Mình mê vợ mình từ ngày vào Hang Kẻm chơi. Thấy xinh quá, về nhà ngơ ngẩn cả tuần. Lần sau lại theo bạn đến nương của người Dao, tình cờ lại thấy cô ấy, nổi bật nhất trong tất cả những tà áo. Mình hỏi cô ấy có chồng chưa, cô lắc đầu. Thế là hỏi thăm tìm đến. Thấy nhà vẫn thắp đèn, chắc còn chờ người đến. Thế là cạy cửa tìm vào. Mình đã nằm bên cạnh cô ấy, cô gái có nụ cười trắng lấp lóa, tươi như hoa dưới thung lũng. Hai bên tâm sự, ưng nhau quá. Thế là mình được ngủ thật, rồi ở lại làm rể, rồi cưới”. Anh Giáo cười khành khạch, chỉ vào người đàn bà cao lớn đang buộc ngựa, có bắp chân to như hoa chuối, bảo “Vợ tôi kia”. Tôi nhìn theo, đúng là người đàn bà đẹp, dù đã có tuổi, nhưng chị vẫn như một bông hoa, là niềm tự hào của anh Giáo.
Bản Cỏi, bản Nhợi ở cái khu này là tuyệt tác nhất đấy. Trai ở mọi nơi cứ đổ về ầm ầm. Vì thế chẳng phải dễ lấy vợ ở đây đâu. Anh Thà, một người của bản Cỏi nói, khi nghe tôi đùa sẽ tìm vợ ở đây. Anh còn nói, người dưới xuôi lên chưa chắc thích hợp. Con gái thì thích con trai dưới xuôi, nhưng chẳng chịu đi quá xa đâu.
Về chuyện ngủ thăm, nếu một co gái đang có người ngủ thăm mà cô chưa đồng ý thì người khác vẫn có thể cạy cửa vào được. Cô sẽ để mỗi người nằm một bên, cả hai cùng nói, ai nói giỏi hơn thì thắng. Những ngày đầu ngủ thăm, không ai được động vào người cô gái. Đây mới chỉ là thời gian tìm hiểu thôi, chưa chính thức. Hai bên ưng nhau rồi thì được ngủ thật. Đây cũng là thời gian người con trai phải ở làm công cho nhà con gái. Cả hai thưa chuyện với bố mẹ để bàn tính chuyện lâu dài. Ban ngày chàng trai đi làm cho gia đình cô gái, tối về ngủ với cô. Người con trai muốn về phải được sự cho phép của cha mẹ cô gái. Trong thời gian này, cô gái vẫn có quyền từ chối, và chàng trai phải hiểu những tín hiệu, những lời nói từ trối của cô gái để lặng lẽ ra về, nếu để cô và cha mẹ cô nói thẳng, thì mất mặt lắm!
Về đám cưới thì người Dao Tiền có thể cưới to hoặc cưới nhỏ tùy theo điều kiện từng gia đình. Nếu là cưới to thì nhà trai tốn 5 tạ lợn dẫn cưới để nhà gái chia cho họ hàng. Cưới nhỏ (cưới chịu) thì nhà gái chỉ phải đem con lợn chừng 30 cân đến cúng xin khấn tổ tiên nhà gái là có thể đón dâu về chung sống hạnh phúc, sinh con đẻ cái như thường. Khi làm ăn khá thì phải lo cưới to (trả nợ), một số vùng quy định, nếu đời bố không trả nợ được thì đời con sẽ trả, con không trả được thì cháu phải gánh.
Theo tục xưa, đi tìm vợ
Đến đây, vào nhà người dân tộc Dao, Mương, chúng tôi được tiếp đón đặc sẵn chè tuyết san, mùi chè sao tỏa ra thơm lừng. Chúng tôi được người dân kể cho nghe về hang Lạng, gắn với một huyền tích: Hang Lạng là do con rắn Thần Trăng hóa thân. Xưa, cứ vào mồng bốn Tết, sau khi dân bản cúng Thần coi hang, người Mường lại đốt đuốc kéo nhau vào sâu trong hang. Hang rộng, cả bản kéo nhau vào cùng vẫn còn chố. Người ta chọn bãi giữa hang, chia làm hai phe nam nữ để ném còn và hát đối. Có đám thì rủ nhau đi đánh trống đá, nhạc cụ đá, thứ mà họ cho rằng ông trời ban tặng. Thần hang là con rắn hóa thân thành chàng trai tuấn tú, vẫn thường đến giúp việc nhà thổ Lang xóm Lạng, nhà này giàu có vô cùng. Nàng Bạch, con gái thổ Lang được chàng giúp cấy lúa. Chàng khẻo và nhanh nhẹn nên nàng Bạch đã đem lòng yêu. Một hôm, do ngủ quên, chàng đã để lộ nguyên hình một con rắn trắng. Quan thổ Lang cấm không cho nàng Bạch yêu chàng. Không lâu sau, vì nhớ thương mà nàng Bạch đã sinh bệnh chết, chàng trai buồn bã đi lang thang khắp các bản làng, và thường đến bên mộ nàng Bạch mà tiếc thương.
Đêm trăng ở bản Lạng, con suối róc rách chảy như tình yêu của trai gái. Những cặp trai gái đã có gia đình cho phép ngủ thật, chỉ còn đợi chờ ngày cưới nhau về, đã tụ tập ở đây, tình tự dưới trăng. Vi Văn Thủng, một chàng trai người Mường sẵn sàng cho tôi một đêm ngủ thăm. Và để giảm bớt ngượng nghịu thì tôi ăn mặc cho giống với trang phục của người Mường, ăn nói cũng nên rụt rè, có chút hoang hoải của hoa rừng.
Trăng mỗi lúc một sáng. Và khi đồng hồ của tôi chỉ 8 giờ thì Thủng dẫn tôi đi. Ngoài đường đã tấp nập những chàng trai, có chàng cấm lửa đuốc bập bùng, Thủng nói “trong số kia, có người đã không kịp cạy cửa, hoặc cạy được cửa thì cô gái đuổi ra, cô đã ưng người kia mất rồi”. Tôi thấy hồi hộp và tim đập thình thịch. Thủng nói, chúng tôi sẽ đến nhà em Lý Tà Mẩy.
Nhà em Mẩy đây rồi. Đèn vẫn sáng và cánh cửa he hé mở. Thủng đã nói trước với cô gái là tối nay sẽ có tôi đến thăm. Thủng đẩy tôi lên nhà: “kìa cô gái đang đợi, cứ cạy cửa mà vào”. Tôi lấy hết can đảm leo lên, gõ cửa ba tiếng, rồi kéo then cửa mắc bên trong, thận trọng bước vào. Mẩy đã nằm, đắp hờ một mảnh chăn thổ cẩm, bức màn đã buông. Tôi vén màn đi vào giường mà thấy ngường ngượng làm sao. Lúc này, Mẩy trở ra, vặn nhỏ đèn. Tôi không dám nằm mà cứ ngồi, nhìn chòng chọc. Mẩy xinh và có đường nét, rất gợi cảm. Cô nằm xuống và cả hai nói chuyện. Trước cô, tôi chẳng thể hoạt chuyện như ở ngoài. Bố của Mẩy có việc nên đi lên huyện, còn mẹ và bà thì đã đi nằm. Căn phòng ngăn cách với bên ngoài bằng mấy bức tường gỗ cao chừng 1,8 mét. Nói chuyện chừng 10 phút, Mẩy phát hiện ra tôi là trai ở dưới xuôi lên, nói chuyện chẳng ăn nhập với hoàn cảnh của người Xuân Sơn. Cô đứng lên, ra vặn to ngọn đèn. Hai người nhìn nhau cười. Tôi mê luôn lúm má đồng tiền trên má cô ấy, Hai lúm má đồng tiền cũng sáng trăng. Tôi xin phép ra về theo tín hiệu gọi của thằng Thủng. Cô gái nói nếu mai rỗi, tôi vẫn có thể đến để nói chuyện.
Thủng nhất định muốn dẫn tôi đến nhà Dương bạn gái mình. Cô gái anh thường ngủ thăm và có lẽ sẽ làm đám cưới trong thời gian tới. Cả hai cùng cạy cửa để vào. Thủng có vẻ quá quen thuộc với tất cả mọi thứ của ngôi nhà này. Đọc được lịch trình thời gian mấy giờ cha mẹ Dương ngủ, mấy giờ Dương bỏ màn. Dương vui mường khi có sự xuất hiện của một người lạ bên bạn trai mình. Thủng nằm sát bên Dương thủ thỉ, còn tôi không dám, nằm cách chừng hơn một gang tay, cả hai hỏi câu nào thì nói câu đó. Tôi mơ màng muốn trở lại ngôi nhà lúc trước, ngôi nhà có Mẩy đang đợi và buông màn, có đôi lúm đồng tiền sáng lung linh.
Thủng không muốn bỏ tôi một mình, nên đã nói với người yêu ngày mai anh ở lại, hôm nay để tiếp bạn. Tất nhiên Dương đồng ý. Chúng tôi ra về, trăng rừng hoang sơ vẫn vằng vặc sáng. Những tràng trai “ thất bại” trong đêm cũng tìm cách tản mát ra về.
Tôi ở lại bốn ngày, vào các bản Dao - Mường, đi thăm gần hết vườn Xuân Sơn thì tạm ra về. Tôi đã muốn trở lại nhà Mẩy nhưng không còn thời gian. Sau này, nếu có thời gian, tôi sẽ sớm trở lại, vào đúng nhà Mẩy, biết đâu, tôi sẽ có một cơ hội cắm rùi ở mảnh đất này. Hy vọng rằng, Mẩy đừng ưng ai, để chờ tôi trở lại. Nhưng Thủng đã bảo “Chẳng thể nào có chuyện đâu. Mẩy sẽ sớm đồng ý một ai đó khác. Muốn lấy vợ ở đây cũng phải có cái duyên nữa.” Và mãi mãi, tôi nghĩ rằng, tục ngủ thăm là một phong tục nguyên sơ độc đáo của người Dao Tiền - Xuân Sơn, là một cách để nam nữ đến với nhau, xây dựng gia đình, làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc thiểu số về yêu đương cưới xin như tục ăn hỏi của người Thái, tục chọc sàn tìm vợ, tục cướp cô dâu…

Tuesday 1 October 2013

Tục lệ cưới hỏi của tộc người Thái tại Sơn La

Những gì được coi là văn hoá truyền thống, nó đều có sự biến đổi theo thời gian và không gian. Qua sự biến đổi ấy nó đã tự gạn đục khơi trong để có giá trị văn hoá đích thực phù hợp với thời đại mà con người đang sống, làm ra nó, hưởng thụ nó và tôn vinh để nó trường tồn, bất diệt. Tục cưới hỏi của một số tộc người cũng vậy, không có một hương ước hay quy ước hay một văn bản nào quy định hay thay đổi một cách nhanh chóng được tục lệ cưới hỏi của họ vì nó đã in sâu thành nền nếp bao đời. Chỉ qua một quá trình đi lên của xã hội, những tục lệ không còn phù hợp đời sống văn hoá tinh thần mới. Tục cưới hỏi, lấy vợ của người Thái - Sơn La là một minh chứng.
Tuy niên mỗi dòng họ, mỗi vùng miền có đôi chỗ hoặc tên gọi khác nhau. Xưa kia con trai, con gái trưởng thành, nếu con trai muốn lấy vợ thì họ phải chăm lao động, đặc biệt là đan lát, sau là học thổi khèn bè, thổi sao nói được tình yêu với cô gái… Người con gái muốn có chồng, ngoài nết na phải học được thêu thùa khăn Piêu, dệt vải khuýt và luyện cái tai tinh tường để “nghe tình yêu qua khèn bè”; đâu là tiếng khèn bạn tình, đâu là tiếng khèn họ đang trèo cầu thang lên nhà, đâu là tiếng khèn gọi mình ra ngồi đầu sàn nói chuyện cùng họ đêm ttrăng; đâu là tiếng khèn tình không lành mạnh… Khi đôi nam nữ đã nhờ phần lớn là tiếng khèn, ánh mắt nói thay lời yêu thương, khi muốn lấy cô gái làm vợ, người con trai nhờ mẹ đẻ và một vài bà trong họ đến nhà cô gái làm một vài thủ tục gọi là Lòng Luông.
Lòng Luông: là mấy bà chưa mang lễ vật, chỉ đến nhà cô gái xin cho con trai mình được đi về (mà ngày nay gọi là xin đi lại) để tìm hiểu. Sau một thời gian, họ nhà trai tổ chức một đòn có lễ vật: gà, lợn, rượu, gạo… đến nhà cô gái, đoàn này do một ông mối (làm) dẫn đầu và giao tiếp gọi là pay đu, có dòng họ gộp hai giai đoạn này làm một gọi là Lòng luông đu châu.
Pay đu: Nội dung mời bên ngoại (họ của mẹ cô gái) về xin ý kiến, xin cho đôi nam nữ có điều kiện tìm hiểu. Sau một thời gian từ 3-4 tháng, gia đình và họ nhà gái chỉ nhận lời cho gần gũi, chứ chưa nhận lời cho lấy nhau. Tiếp đó là thủ tục mới gọi là To pác.
To Pác: cũng là một đoàn nhà trai mang lễ vật đến nhà gái làm cỗ mời hai họ (thực chất là 4 họ). Sau đó họ nhà gái công khai hỏi đôi nam nữ về nguyện vọng xây dựng gia đình. Giai đoạn trên họ nhà gái bàn bạc đi đến nhất trí cho lấy hay không, nên gọi là To Pác (đo và đánh dấu). Sau To Pác là Khưới quản. Có vùng gọi giai đoạn này là: Ôm sáo (chứng minh cho cô gái tìm hiểu về mình).
Khưới quản: Người con trai đến ở nhà cô gái, được cùng ăn, làm vệc nhưng ngủ một chỗ riêng gần sàn quản, gọi là khưới quản. Giai đoạn này khoảng 1 năm cô gái vẫn có quyền tiếp bạn trai khác. Tuyệt đối người khưới quản không được lén lút ngủ với cô gái, nếu có (nhất là chửa) sẽ bị phạt rất nặng. Sau một năm, nhà trai làm thủ tục gọi là Xông Phắc phá.
Xông Phắc Phá (đem bao dao cho chú rể): nhà trai làm một bao dao mới (có cả dao) đem theo lễ vật: lợn, gà, cá nướng, thịt chua, gạo, rượu làm cỗ mời nhà gái ăn, từ 10 giờ sáng đến tận tối (gọi là công ơn). Trong bữa cơm công ơn này có Khoóng Phác nói (gửi nhỏ), Khoóng Phác luống (gửi lớn). Đây là một hình thức gửi rể cho nhà gái, họ có lời chúc, lời khuyên đôi trai gái sắp thành vợ chồng, lời khuyện răn là những câu ca dao, tục ngữ, gọi chung là lời nói có vần (dài từ 20-30 câu) chẳng hạn như:
Chớ nghe lời con gà mà bỏ vườn.
Chớ nghe lời xúi dục mà bỏ anh em.
Chớ nghe lời ham muốn dại mà mất cuả.
Bằng lòng nhau thành thơm, không ưa thành thối.
Không nên người ăn người ngửi mùi.
Trai khôn nhà không bằng người đi xa….
Cứ thế người ta dạy cô dâu, chú rể bằng văn vần và kết hợp cho một số tiền nhỏ làm vốn, đạt vào một cái đĩa, gọi là Phan khẩu xó (Bàn cơm xin). Ở đây là xin phúc, xin lời răn dạy, xin nhận họ hàng. Ở nghi lễ này đôi nam nữ được chấp nhận là vợ chồng. Họ được dọn nhà mình, (biểu hiện bằng sự mừng vui được đón cô dâu về nhà chồng), một đoàn trai tráng khiêng gánh chăn, đệm và các vật phẩm họ nhà gái tặng như dụng cụ nhà bếp bát, chậu, nồi xoong về đến nhà chồng người ta làm lễ tổ tiên cho co dâu nhập gia. Nhà trai lại tổ chức một bữa cỗ đông vui chào hai họ và bè bạn. Sau đó là tục mời uống rượu cần, nhà trai có một đoàn từ 5-6 người biết cách sắp xếp ngôi thứ hai họ, giỏi mời chào cầm tay vào chum rượu uống theo đôi một hoặc 4 đến 5 đôi, lời hát răn dạy lại cất lên:
…Có chồng phải ủ rượu ngọt đắng
Nặng nhọc giúp nhau làm.
ốm đau giúp nhau thuốc
Được ăn không quên đũa
Được ở không quên ơn cha mẹ…
Cổ xưa phần này dược coi trọng phần trả ơn cha mẹ, công ơn người làm mối, và cha mẹ cô gái chia tài sản cho đôi vợ chồng, tiếp theo là lời hát chào, mừng hai họ và đôi vợ chồng mới. Tiếp nữa là hình hành vòng xoè giao kết hai họ và nam thanh nữ tú của hai họ. Cuộc xoè mú kéo dài đến tận đêm khuya, vừa xoè múa vừa ống rượu cần.
Ngày nay do thực tế đời sống người con trai không thể ở rể như trước bởi họ là cán bộ công nhân viên chức, làm nghĩa vụ quân sự… hoặc do phong trào giãn hộ tách bản để làm kinh tế theo hộ gia đình, nên việc ở rể tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, có khi chỉ là một, hai tháng, một hai tuần và việc cưới xin chỉ thực hiện 1 lần, sau khi đôi nam nữ tìm hiểu đi đến hôn nhân, đoàn nhà trai có một doàn gồm đủ thành phần đủ cả họ bố, mẹ đến xin và hẹn ngày làm đăng ký kết hôn và làm lễ Tằng cẩu thực hiện ngay tại ủy ban Nhân dân xã, đôi vợ chồng trẻ được nghe một đoạn về luật hôn nhân, gia đình… Chú rể chỉ đến nhà vợ ở một tháng hay một tuần người ta tổ chức lễ cưới đón cô dâu về nhà chồng, nghi lễ cũng ngắn gọn hơn, những hình thức vẫn là nhà trai đem đến vật phẩm tặng nhà gái. Việc cúng lễ tổ tiên chấp nhận cô dâu mới ngắn gọn, việc ăn uống tuy đông đúc nhưng không xa hoa lãng phí mà mang một nét ẩm thực độc đáo, một tục lễ uống rượu cần và rượu chai hết sức văn hoá, tuy có say nhưng người ta chỉ hát xèo, múa, thể hiện sự mừng vui, thắt chặt tình làng xóm, họ tộc, không say làm điều sai quấy. Đặc trưng nhất là tục uống rượu cần, chỉ có họ nhà trai đi mời chào họ nhà gái, họ nhà gái ít từ chối và uống theo một tục lệ nhất định nhằm tăng cuộc vui, sau đó là xèo múa vòng, người ta tạm quên đi bao nỗi nhọc nhằn, xoá bỏ đi mọi va chạm của cuộc sống, nắm tay nhau vào vòng xoè vui bất tận.
Qua việc biến cải về tục cưới xin của người Thái ta thấy: việc cưới hỏi không chỉ nhằm vào một mục đích duy nhất và làm cho trai gái thành vợ thành chồng gắn bó sinh sống, nối dõi tông đường, mà nó còn nhằm vào một mục dích cao cả nữa là giúp cho đôi vợ chồng ấy có đủ cơ sở vững chắc đủ bản lĩnh và thói quen, kinh nghiệm sản xuất, văn hoá ứng xử chọn vẹn đạo lý làm người, mà sống suốt đời hạnh phúc góp phần xây dựng cho họ tộc và cộng đồng những giá trị tập quán văn hoá. Đồng thời cũng thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm của cha, mẹ họ tộc trước hôn nhân của thế hệ trẻ, mà không hề mất đi tính tự do trường tồn cho đế tận ngày nay, những cải biến chỉ là để phù hợp với thời đại chứ không mang tính thị trường, thương mại, lai căng làm giảm giá trị nhân văn của họ. Cưới hỏi của người Thái được xem như một lễ hội rõ rệt. Lễ hội của tình yêu, hạnh phúc./.
Bài viết được mang đến bởi www.bythuongtran.com